Những điều cần làm trước khi sơn nhà
Nếu như bạn đang có ý định tự “mặc áo” cho căn nhà của mình thì điều quan trọng là phải tìm hiểu và tham khảo kỹ những hướng dẫn sơn nhà từ các chuyên gia. Do đó, ở bài viết này SƠN KATU2 xin chia sẻ đến các bạn những điều cần làm trước khi bắt tay vào công việc “khó mà dễ” này. Nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Ghé thăm các cửa hàng sơn
Bên cạnh chú trọng đến sự phối hợp màu sắc, kết cấu và tình trạng sinh hoạt của khu vực cần sơn, bạn cũng cần ghé thăm các cửa hàng sơn hay trung tâm nội thất gia đình. Sau đó hãy chọn những mẫu màu sơn bạn cho là phù hợp với những gì bạn nghĩ trong đầu nhưng chớ mua sơn nhà ngay! Bạn hãy nói với người bán hàng về công việc bạn cần làm và nhờ họ tư vấn nên mua loại sản phẩm và độ bóng hợp lý với yêu cầu của bạn.
Nhân tiện nếu bạn chưa lựa chọn được cho mình cách phối màu sơn phù hợp thì có thể tham khảo thử phần mềm phối màu sơn nhà Online hoặc đến trực tiếp đại lý sơn Galaxy để được tư vấn miễn phí nhé!
Bạn nên ghé thăm các cửa hàng sơn hay trung tâm nội thất gia đình để được tư vấn chọn loại sơn phù hợp
Ngoài ra việc quan sát màu sắc thực tế của mẫu sơn bạn mong muốn ở tất cả các loại ánh sáng ban ngày cũng như ban đêm là vô cùng cần thiết. Màu xanh chuẩn có thể hoàn toàn khác hẳn trong phòng ngủ khi bật đèn. Bạn nên tìm sắc độ phù hợp cho thời điểm bạn sinh hoạt trong phòng nhiều nhất. Nếu bạn đi làm cả ngày ở ngoài thì nên chọn màu sơn nước thích hợp nhất với ánh sáng ảo.
Bạn cần quan sát màu sắc thật của mẫu sơn mong muốn ở tất cả các loại ánh sáng ban ngày và ban đêm
2. Ước lượng cần mua bao nhiêu sơn
Ngoài việc bạn cần biết cách pha sơn nước thì bạn cũng phải biết ước lượng lượng sơn cần dùng đến cho ngôi nhà của mình. Trên tất cả các thùng sơn đều ghi đầy đủ thông tin bạn cần biết dưới điều kiện bình thường. Bạn chỉ cần đo kích cỡ căn phòng, đếm các cửa sổ và cửa ra vào cần sơn, người bán hàng sẽ tính ngay cho bạn lượng sơn cần mua. Bên cạnh đó bạn cũng có thể tham khảo trên Internet cách tính sơn nhà chính xác. Không nên mua ít hơn lượng đã tính vì bạn sẽ cần dư một chút sơn để vá những vết va chạm sau khi sơn.
Bạn chỉ cần đo kích cỡ căn phòng, đếm các cửa sổ và cửa ra vào cần sơn và tính lượng sơn cần mua
3. Chọn nguyên vật liệu
Nếu như bạn muốn bề mặt tường sau sơn nhẵn nhụi và đẹp hơn thì đừng bỏ qua những nguyên vật liệu này:
- Lớp matít (bột trét): làm phẳng bề mặt cần sơn. Các bạn nên chọn loại bột trét tốt (có độ bám dính cao) vì hệ thống sơn sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào chất lượng của lớp bột trét này.
- Lớp sơn lót: vô cùng quan trọng, có tác dụng ngăn chất kiềm, hơi ẩm trong tường thoát ra ngoài làm hỏng màng sơn bên ngoài. Ở những vị trí quan trọng có độ ẩm cao, thường xuyên ảnh hưởng bởi nguồn nước chúng ta nên chọn loại sơn lót có khả năng chống nấm mốc và chống thấm.
- Lớp sơn ngoài cùng (sơn phủ), yêu cầu phải phù hợp với lớp sơn lót, có màu sắc hài hòa.
Chất lượng về mặt sơn tùy thuộc rất lớn vào bột trét
4. Chọn lựa chổi, cọ sơn
Tường và trần có thể phun sơn tuy nhiên việc này khó đối với những người mới vào nghề. Còn dùng chổi quét hoặc chổi lăn thì tốc độ sẽ chậm hơn.
- Nếu bạn chỉ cần sơn mỏng thì nên dùng chổi quét.
- Chổi lăn bằng bọt biển khi sơn trên các mặt bằng phẳng sẽ mang lại độ mịn và dễ sử dụng.
- Bàn chổi sơn bằng bông mềm rất phổ biến vì chúng giữ được rất nhiều sơn và nhanh chóng làm nhẵn nhụi bề mặt tường.
Những người cung cấp sơn có thể hướng dẫn bạn chọn dụng cụ sơn tốt nhất cho công việc cụ thể của bạn.
Lựa chọn dụng cụ sơn ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả sơn của bạn
5. Chuẩn bị không gian
Việc dành quá nhiều thời gian và công sức sơn sửa một thứ gì đó quả thật vô cùng chán nản dù chỉ là nhìn thấy một mặt dưới đồ vật hay góc khuất của phòng không hoàn hảo. Bạn cũng sẽ chẳng thích thú khi mất vài giờ để sơn, sau đó lại thêm một khoảng thời gian không nhỏ để dọn dẹp sạch sẽ. Vì thế, bạn nên đảm bảo rằng mình luôn:
- Có ánh sáng tốt trong khu vực sơn sửa.
- Di chuyển hoặc che phủ tất cả đồ đạc và sàn nhà. Vá và làm mịn các lỗ đinh, mảng vữa vỡ trên bề mặt cần sơn.
- Lau chùi cẩn thận các bề mặt cần sơn.
- Cất gọn các công tắc điện rời và che kín ổ cắm trên tường.
Hãy chuẩn bị không gian sơn thật tốt để đảm bảo công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn
6. Xử lý tường trước khi sơn
Trước khi sơn, tường cần đảm bảo hai yếu tố sau đây: Sạch và Khô. Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu, bụi phấn… hay bất kỳ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn. Độ ẩm tường cần đạt dưới 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm mới phù hợp để thi công.
Trường hợp không có máy đo, nên chờ tường khô từ 3 – 4 tuần kể từ sau khi tô hồ, trong điều kiện thời tiết khô ráo. Đối với bề mặt hồ vữa mới, bạn chỉ nên tiến hành sơn khi bề mặt hồ vữa đã đạt độ khô cần thiết, độ ẩm dưới 16%. Cụ thể là tường đã được để khô từ 3-4 tuần trong điều kiện bình thường, không mưa. Sau đó bạn thi công theo hệ thống: 2 lớp bột trét + 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn phủ.
Tường cần đảm bảo hai yếu tố sau đây: sạch và khô
Riêng đối với bề mặt tường đã từng sử dụng giấy dán tường, sau khi đã lột bỏ giấy dán tường, bề mặt tường phải được xử lý thật sạch các vết bẩn, keo dán cũ trên bề mặt cũ với dung môi hay giấy nhám. Nếu bề mặt bị lỗ hổng thì phải trám trét lại bằng bột trét, để khô. Xả nhám, vệ sinh thật sạch rồi sơn tường nhà lại theo hệ thống 1 lớp sơn lót chống kiềm và 2 lớp sơn phủ.
Với tường đã quét vôi, tốt nhất nên xả bỏ lớp vôi cũ (bằng bàn chải sắt hoặc cây sủi), sau đó mới tiến hành vệ sinh bề mặt tường, trét bột rồi sơn. Nếu không xử lý sạch lớp vôi bên dưới, khi sơn lên thì lớp sơn mới có thể bị bong tróc do lớp vôi bên dưới có độ bám dính kém.
Nếu lớp sơn cũ không còn bám dính tốt thì cần phải xả bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ (bằng cây sủi hay bàn chải sắt), sau đó làm vệ sinh sạch bề mặt rồi trét bột, sơn lót chống kiềm và sơn hoàn thiện. Trường hợp tường vẫn còn lớp sơn cũ bám dính tốt thì chỉ cần làm vệ sinh sạch bề mặt cần sơn, sau đó sơn 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn hoàn thiện.
Nếu lớp sơn cũ bám dính tốt thì chỉ cần làm vệ sinh sạch bề mặt cần sơn
Để xác định xem lớp sơn cũ có còn bám dính tốt hay không có thể kiểm tra bằng cách sau: Dùng băng keo giấy rộng 1cm dán lên tường một khoảng 20cm sau đó bóc ra. Nếu lớp sơn cũ bị tróc ra nhiều thì độ bám dính không còn tốt. Nếu lớp sơn cũ không tróc hoặc tróc rất ít thì độ bám dính còn tốt, có thể thi công mà không cần xả bỏ lớp sơn cũ.
Trên đây là những điều cần làm trước khi sơn tường du là sơn lại hay sơn mới. Bên cạnh đó, gia chủ cũng đừng quên lựa chọn thương hiệu sơn tốt để vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ vừa bền màu và nhất là an toàn cho mọi thành viên trong gia đình.